Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 11/2019 đạt 225 nghìn tấn với giá trị đạt 293 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 11 tháng của năm 2019 ước đạt 1,53 triệu tấn và 2,06 tỷ USD, tăng 9,9% về khối lượng và tăng 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 11/2019 đạt 81 nghìn tấn với giá trị đạt 119 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 11 tháng đạt 660 nghìn tấn với giá trị 1,09 tỷ USD, tăng 18,9% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018…
Trên thị trường thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo (Tocom) tiếp tục tăng trong tháng 11/2019 do các nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung. Giá cao su hợp đồng benchmark tháng 3/2020 cuối phiên 21/11 đạt mức cao nhất trong gần 4 tháng – 186,9 Yên, tăng 14,8 Yên (tương đương 8,6%) so với phiên đầu tháng. Giá cao su nguyên liệu trên thị trường châu Á cũng tăng cùng với xu thế trên thị trường kỳ hạn. Cụ thể, RSS3 Thái Lan ngày 21/11 ở mức 1,52 USD/kg, tăng 0,04 USD/kg; STR20 Thái Lan ở mức 1,39 USD/kg, tăng 0,05 USD/kg; SMR20 Malaysia ở mức 1,42 USD/kg, tăng 0,06 USD/kg, SIR20 Indonesia ở mức 1,39 USD/kg, tăng 0,03 USD/kg so với ngày 5/11.
Cùng với xu hướng của thị trường thế giới, giá cao su nguyên liệu tại thị trường trong nước cũng tăng nhẹ. Tại Bình Phước, giá mủ từ mức 255 đồng/độ lên 265 đồng/độ. Giá mủ tại Đồng Nai không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, thị trường cao su Việt Nam được dự báo có dấu hiệu khởi sắc do: Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung có triển vọng đạt được từng phần. Dự báo sản lượng cao su thế giới trong năm 2019 giảm 800 nghìn tấn (theo Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên. Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2019 sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng so với 2018: Ấn Độ tăng 34,7%; Hàn Quốc tăng 28,7%; Brasil tăng 25,5%…/.